Mua xe cũ là một phương án rất nhiều người nghĩ đến, bởi có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí, tuy nhiên không phải ai cũng có kinh nghiệm lựa chọn một chiếc ô tô đã qua sử dụng.
1. Xác định ngân sách:
Điều đầu tiên cần xác định là bạn sẽ dành bao nhiêu tiền để mua xe cũ. Việc này rất quan trọng vì nó quyết định rằng bạn sẽ chọn được các mẫu xe nào. Và với số tiền đó, bạn có thể mua được một chiếc xe mới nào không. Ví dụ với 500 triệu, sẽ rất khó để mua một chiếc xe mới, ngoài những chiếc mini car như Mitsubishi Mirage, Hyundai Aveo, Kia Morning, hay cùng lắm là Forte 1.6 MT. Nhưng nếu chọn xe cũ thì với số tiền đó bạn có thể chọn Honda Civic 1.8 đời khoảng 2008, hay Ford Escape, Chevrolet Captiva và rất nhiều mẫu khác cũ hơn. Khi ngân sách của bạn là dưới 300 triệu, lựa chọn bị hạn chế lại, nếu dưới 4 năm tuổi thì chỉ có thể là những mẫu xe mini car, hoặc các dòng xe khác thuộc hạng cao cấp hơn nhưng đời xe chủ yếu là trước 2002.
2. Tham khảo mặt bằng giá trên thị trường:
Việc tham khảo mặt bằng giá cả hiện nay có thể thực hiện dễ dàng thông qua các trang thương mại điện tử. Bên cạnh mặt bằng giá xe cũ, bạn cũng nên xem thêm bảng giá xe mới để lấy đó làm cơ sở đối chiếu, tránh trả hớ. Xe mới hoàn toàn hiện bán 800 triệu, thì một chiếc xe cùng dòng đã qua sử dụng 4 năm, chạy trên 50.000km, không thể rao giá trên 700 triệu. Ngoài yếu tố chất lượng còn lại, giá bán của một chiếc xe cũ còn phụ thuộc vào tỷ lệ mất giá của chúng trên thị trường.
Hiện nay, xe của các thương hiệu Nhật như Honda, Toyota là những sản phẩm có tỷ lệ mất giá ít nhất trên thị trường. Ngoài ra, nếu mua xe không quá cũ như đời 1992-1994, thì một điểm cần chú ý là mẫu xe mà bạn chọn đã qua bao nhiêu đời? Xe mới đang bán trên thị trường hiện nay có cùng thế hệ với chiếc xe cũ mà bạn định chọn không? Lấy ví dụ, vào thời điểm tháng 4 năm 2012, giá của một chiếc Honda Civic 2.0 cũ đời 2009 (3 năm sử dụng) vẫn còn khá cao, bởi lúc đấy Honda Civic mới bán trên thị trường vẫn cùng mẫu thiết kế với chiếc xe cũ mà bạn định mua. Tuy nhiên, đến tháng 4/2014, khi Honda Civic thế hệ hoàn toàn mới đã bán được hơn 1 năm, thì tỷ lệ mất giá của một chiếc Civic cũ đời 2011 (cũng 3 năm sử dụng) buộc phải lớn hơn bởi thiết kế của nó đã trở nên rất cũ vì sự xuất hiện của Civic hoàn toàn mới.
Tương tự, Mercedes-Benz C-Class cũ hiện nay vẫn còn được giá, nhưng khả năng đến cuối năm nay thôi, những chiếc C-Class cũ sẽ mất giá nhiều hơn trước sự xuất hiện của C-Class thế hệ mới. Điều này không khác mấy so với việc iPhone 5 ra mắt thì iPhone 4 chắc chắn mất giá. Vì vậy, nên tránh mua những chiếc xe cũ chuẩn bị thay đổi thiết kế với giá cao. Ví dụ này cũng để nói rằng, vào thời điểm hiện tại, không nên trả hớ cho một chiếc Toyota Vios cũ.
3. Nguồn xe:
Trên thị trường xe cũ hiện nay, nguồn xe cũng đã khá phong phú. Bạn có thể tìm đến các đại lý chính hãng của các hãng xe có cung cấp các dịch vụ về xe đã qua sử dụng như dịch vụ FordAssured của Ford Việt Nam, hoặc các garage chuyên kinh doanh xe. Tại những nơi này, các mẫu xe cũ thông thường sẽ được các đơn vị kinh doanh “dọn” lại khá kỹ càng trước khi rao bán cho khách, và tất nhiên là người mua tìm đến những nơi này sẽ khó có cơ hội chọn được một mẫu xe cũ còn tốt với giá hời, bởi các đơn vị kinh doanh như vậy định giá một mẫu xe rất chính xác. Nguồn thứ hai mà những người muốn mua xe cũ có thể tìm đến là các trang thương mại điện tử. Tại các trang này, đối tượng bán có thể chính là các garage kinh doanh xe cũ, tuy nhiên không ít trong số đó là những chủ xe trực tiếp đăng thông tin rao bán chiếc xe của mình. Nguồn thứ ba chính là những chiếc xe của bạn bè, người thân hoặc quen biết. So với các nguồn trên thì nguồn thứ 3 này là một trong những nguồn đáng chú ý và đáng tin cậy nhất, vì người mua có thể dễ dàng nắm được các thông tin về dòng xe đời xe, tình trạng xe và cả cách thức cũng như quá trình sử dụng của chủ xe.
4. Thông tin về xe:
Sau khi đã tìm và nhắm được một chiếc xe muốn xem, bạn nên tóm tắt lại lý lịch của xe với các thông tin sau đây:
- Nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, đời xe, năm sản xuất, năm đăng ký, nơi đăng ký.
- Các trang bị kỹ thuật và tiện nghi có trên xe. Điều này cũng tương đối quan trọng. Hai chiếc xe cũ như nhau, chất lượng còn lại ngang nhau, cùng năm sản xuất, cùng đời, cùng các đặc tính kỹ thuật cơ bản, nhưng khác nhau về các trang bị tùy chọn bổ sung thì giá hẳn phải khác nhau.
- Số km đã đi: Đây là con số mà người mua không nên đặt trọn niềm tin, chỉ nên xem đó là con số tham khảo, bởi người ta hoàn toàn có thể “tua” công tơ mét ngược lại. Tùy từng chủ xe, người đi ít thì một năm xe chỉ chạy khoảng 5-7 nghìn km, trung bình vào khoảng 10-20 nghìn km, và nhiều thì có thể chạy trên 30 nghìn km/năm. Tâm lý của người bán luôn muốn chứng tỏ là chiếc xe của họ ít đi, nên nếu công tơ mét của một chiếc xe 5 năm tuổi đang hiện 30.000km thì bạn hãy đặt dấu hỏi, nhưng nếu nó hiện 150.000km, thì không nghi ngờ gì nữa, nó đã đi ít nhất 150.000km. Với một chiếc xe 10-15 năm tuổi, mà công tơ mét chỉ hiện 50.000 km thì tốt nhất là nên quên con số này đi.
- Giá bán: Trừ khi nó quá đắt, đắt một cách phi lý mà bạn thậm chí không muốn xem qua xe bất kể chất
lượng nó tốt thế nào, còn không hãy cứ để chủ xe ra giá, nếu thấy ngưỡng giá có thể chấp nhận được thì cũng không nên trả giá ngay khi chưa xem kỹ xe, bởi bạn có thể bị hớ. Ngoài ra, cũng nên đặt ra một số nghi vấn nếu chiếc xe thuộc đời khá mới nhưng giá rẻ một cách bất ngờ so với mặt bằng chung trên thị trường.
- Số khung (VIN), số máy, màu sơn của xe phải trùng khớp với thông tin trên giấy đăng ký.
- Tình trạng đăng kiểm, bảo hiểm.
- Cách thức sang tên đổi chủ, phí trước bạ, cách thức thanh toán và tổng số tiền phải thanh toán.
5. Quan sát tổng thể:
Đậu trên một bề mặt bằng, để quan sát độ cân bằng của thân xe. Với những chiếc xe đã quá cũ, thân xe nghiêng không đều là chuyện tương đối phổ biến. Những chiếc xe như vậy thì hệ thống treo có nhiều vấn đề. Những chiếc xe dùng chưa quá 10 năm thì chuyện này hiếm gặp hơn. Hãy cân nhắc kỹ về những chiếc xe bị nghiêng thân khi đậu trên mặt phẳng. Hãy thẳng thắn hỏi trực tiếp chủ xe về tần suất sử dụng xe của họ, khu vực hay đi, những sự cố xe đã gặp phải, các lần sửa chữa và những linh kiện đã thay thế. Nếu họ thật thà kể ra các lần sửa chữa và các thứ đã thay, thì chắc chắn là chiếc xe đã được sửa chữa ít nhất ngần ấy thứ, còn nếu người bán nói là chưa sửa gì thì cũng tránh tin hoàn toàn mà phải tự mình kiểm tra.
6. Kiểm tra thân xe:
Hãy kiểm tra kỹ nước sơn, các vùng dễ va đụng trên xe như cản trước, cản sau và hai bên hông xe. Tốt nhất là quan sát thân xe dưới ánh nắng nhẹ ngoài trời, nhìn nghiêng để phát hiện các vết móp đã được gò lại hoặc sự không đồng nhất của màu sơn. Kiểm tra thêm các khe hở lắp ghép như giữa cản trước và cản sau với thân xe, các khe hở này có thể nói lên nhiều điều về lịch sử va đụng của chiếc xe. Thông thường một chiếc xe chưa có va chạm nặng thì các khe hở này sẽ đều ở hai bên. Với những chiếc xe cũ hơn nhiều thì nên chú ý đến các điểm có khả năng bị hoen gỉ như trong hốc bánh, bậc cửa, gầm, trong khoang máy, các khe trên vòm mui, khoang bánh dự phòng… Với những chiếc xe chưa quá 5 năm thì khả năng tìm được vết gỉ sẽ thấp, trừ khi chiếc xe thường xuyên bị để ngoài mưa nắng. Quan sát kỹ đèn pha, kiểm tra mức độ đục của hộp đèn và chóa đèn. Đèn pha tốt nhất không được sập bên trong khung đèn mà nên khít vừa vặn với khuôn đèn. Kiểm tra các khi hở khi đóng cửa, gioăng cửa, thử đóng mở tất cả các cửa xe…
7. Kiểm tra sơ bộ hệ thống phanh, treo, lái:
Bạn có thể kiểm tra sơ bộ ba hệ thống này bằng cách quan sát, càng kỹ càng tốt để phát hiện ra các khiếm khuyết nếu có. Với hệ thống treo, cần quan sát các dấu hiệu về sự rò rỉ dầu của giảm chấn, đồng thời thử đứng lên bật cửa để nhún xe rồi lắng nghe các tiếng động nếu có. Với hệ thống phanh, hãy kiểm tra đường ống dẫn dầu phanh xem liệu có bị rò rỉ, xem xét mực dầu phanh có đúng chuẩn, đĩa phanh có mòn nhiều hoặc có rãnh? Đối với hệ thống lái, chú ý quan sát thước lái và rô-tuyn bên dưới gầm xe xem có hay không dấu hiệu cong, va đập hay rò đầu trên phớt thước lái, đồng thời kiểm tra thêm độ rơ của vô-lăng. Khi kiểm tra các hệ thống này, chú ý thêm các dấu hiệu bất thường bên dưới gầm xe. Các vết xước, va đập dưới gầm có thể là dấu hiệu của một vụ va chạm nặng trước đó.
8. Kiểm tra lốp:
Kiểm tra lốp ở đây không cần phải chú ý đến lốp mòn nhiều hay ít, vì lâu chưa thay thì mòn nhiều, mới thay thì mòn ít, nhưng cách thức mòn của lốp sẽ nói lên nhiều điều về hệ thống treo và lái. Trừ trường hợp chủ cũ canh áp suất lốp không chuẩn dẫn đến gây mòn nhiều hơn ở vùng trung tâm hoặc ở hai bên, còn thông thường thì bề mặt tiếp xúc đường của lốp sẽ mòn đều trên toàn bộ diện tích. Hiện tượng mòn thiên lệch phần bên trong hoặc bên ngoài của lốp có thể là lỗi căn chỉnh hệ thống lái, hoặc hệ thống treo tồn tại một khiếm khuyết, nhiều khả năng là hậu quả của một vụ va chạm không được khắc phục triệt để. Tốt nhất là nên né những chiếc xe có lốp mòn không đều như vậy.
9. Kiểm tra chất lượng nội thất:
Kiểm tra các vị trí mà người sử dụng thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa bên trong lẫn ngoài, vô-lăng, các giá tỳ tay, cần gạt xi-nhan, cần số, cần phanh tay, lớp cao su trên bàn đạp ga, phanh và ly hợp (với xe số sàn)… độ mòn/bóng của những vị trí này phần nào cho thấy tần suất sử dụng và tuổi thọ của chiếc xe. Ở phần nội thất cũng cần đặc biệt chú ý đến các mặt đệm ghế, nhất là ghế lái, xem có xét mức độ xẹp của mặt đệm ghế, có hay không tình trạng da/nỉ bọc ghế bị chùng nặng, sờn tróc hoặc rạn gãy… Một chiếc xe ít đi hoặc được chăm sóc kỹ thì các mặt đệm ghế vẫn còn khá căng, mới sau 5 năm sử dụng. Ngoài ra, người mua cũng cần để ý đến các chi tiết nhựa như phần trên của tappi cửa, tấm nhựa che bảng đồng hồ, vùng nhựa ngay dưới chân kính chắn gió. Đây là những khu vực hứng nắng thường xuyên, nếu xe đã cũ hoặc liên tục bị phơi nắng thì các vùng này nhiều khả năng bị bạc màu, thoái hóa. Ngược lại, một chiếc xe được chăm sóc kỹ hoặc ít sử dụng thì nhựa ở các vùng này khá tương đồng so với các vùng còn bên trong nội thất xe.
10. Kiểm tra khoang máy:
Liên quan đến kỹ thuật, nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thì tốt nhất là nhờ một người am hiểu đi cùng, hoặc thuê một thợ máy để nhờ kiểm tra. Động cơ là thứ quan trọng nhất trên chiếc xe. Nếu mở ca-pô lên, quan sát và nhìn thấy có dấu hiệu rò rỉ nhớt quanh nắp máy hoặc dưới block máy thì tốt nhất là quên chiếc xe đó đi, vì đó là một tín hiệu cảnh báo nhiều nguy hiểm. Thông thường thì điều này chỉ xảy ra với những chiếc xe đã quá cũ, còn động cơ xe hiện đại không dễ gì bị rò rỉ nhớt.
11. Kiểm tra ắc qui, két nước:
Trong khoang máy còn nhiều chỗ khác để người mua phải lưu ý, như các cọc ắc qui, tốt nhất là phải sạch sẽ, không bị ô-xi hóa nặng; két tản nhiệt bao gồm nhiều lá nhôm mềm khá dễ biến dạng trong các lần tháo lắp, va chạm, bị bắn đá… nên tốt nhất là các lá nhôm phải ít bị lệch. Nếu trước đó xe không nổ máy, nước làm mát không nóng thì nên mở nắp két nước làm mát để quan sát mực nước và tìm các ván gỉ, ván dầu (nếu có). Tốt nhất là quên ngay những chiếc xe trong nước làm mát lại có ván dầu.
12. Kiểm tra đai truyền động:
Đai truyền động là một chi tiết rất quan trọng trên động cơ ô tô. Bộ phận này truyền lực từ trục khuỷu để dẫn động các bộ phận khác như máy phát điện, máy nén điều hòa, bơm trợ lực lái, quạt làm mát, bơm nước làm mát… Đây không phải là chi tiết “bền mãi với thời gian”, tuy nhiên tuổi thọ của chúng cũng rất dài. Ngày nay, một chiếc xe có thể chạy liên tục 120.000km thậm chí hơn, mà không cần phải thay đai, vì vậy một chiếc xe chạy dưới 50.000km thì không nên có vấn đề gì với dây đai này. Việc kiểm tra sợi đai này tốt nhất là lắng nghe nó khi động cơ hoạt động, nhưng trước khi khởi động máy, hãy thử ấn dây đai để kiểm tra độ căng, quan sát và rà dọc đai để tìm các vết xơ, rạn nếu có, kiểm tra trên các pu-li xem liệu có tình trạng bám dính cao su từ đai không.
13. Bu gi và áp suất buồng đốt:
Đây là bước đòi hỏi chuyên môn, bạn có thể bỏ qua bước này nếu không có điều kiện. Trường hợp có dụng cụ và có thợ máy đi cùng, hãy xin phép chủ xe, nếu được đồng ý thì tháo thử 1 chiếc bu gi (đối với động cơ xăng, động cơ dầu không có bu-gi để tháo). Việc tháo bu-gi là khá đơn giản, trừ một vài mẫu xe quá hiện đại được che kín bởi các nắp đậy bên ngoài. Khi đã tháo thử 1 chiếc bu- gi, bạn có thể kiểm tra được nhiều thứ quan trọng. Đầu tiên, là màu bu-gi cho biết nhiều thông tin về sức khỏe động cơ. Thứ hai, nếu có thêm dụng cụ, bạn có thể tiến hành đo được áp suất buồng đốt, một thông tin rất quan trọng, nhất là đối với một chiếc xe trên 10 năm tuổi. Bu gi được tháo ra tốt nhất phải khô ráo, sạch sẽ, không biến dạng và có màu vàng dạng đồng, tất cả các kiểu màu trắng xám, đen đóng cặn, ướt hoặc bám nhiều muội than đều cho thấy các dấu hiệu không tốt về sức khỏe động cơ, lý do có thể là vì tỷ lệ hỗn hợp xăng-gió không chính xác, quá nhiệt hoặc nhớt bị đốt cháy trong buồng đốt. Nếu có một đồng đo áp suất chuyên dụng, hãy gắn nó vào buồng đốt vừa tháo bu gi, đề máy để xác định áp suất buồng đốt, tháo đồng hồ ra, đổ một ít nhớt vào buồng đốt để làm kín rồi lại đo áp suất. Chênh lệch áp suất trong hai lần đo này cho thấy độ mất hơi của động cơ. Nếu động cơ còn tốt, độ mất hơi gần như không đáng kể.
Sau khi đã kiểm tra kỹ càng chiếc xe ở trạng thái tĩnh, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là có mua hay không, hãy nổ máy và đi thử.
Xem Thêm:
Xem Thêm:
Chưa mua xe ô tô có nên học lái xe ô tô hay không ạ
Trả lờiXóahttps://www.dayhoclaixeoto.com/hoc-lai-xe-khi-chua-co-xe.html